Giới thiệu chung

             Xã Bình Thuận nằm về phía đông bắc trung tâm huyện Tây Sơn khoảng 15 km. Phía đông giáp xã Cát Tân và thị trấn Ngô Mây, phía Bắc giáp xã Cát Hiệp thuộc huyện Phù Cát. Phía tây giáp xã Binh Tân, phía nam giáp xã Tây An, Tây Bình của huyện Tây Sơn.  
            Vùng đất Bình Thuận xưa thuộc huyện Tượng Lâm, địa bàn cư trú của người chăm, thuộc vương quốc Chăm pa cổ. Năm 1471, nhà Lê lập phủ Hoài Nhân( Tức Hoài Nhơn) gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn. Bình Thuận thuộc huyện Tuy Viễn phủ Hoài Nhân. Giai đoạn cuối thế kỷ XIX đẩu thế kỷ XX do việc di dân lập nghiệp, đất đai được khai phá, nhiều làng mới được hình thành nên việc đều chỉnh địa danh hành chính có nhiều biến động. Đến đầu năm 1948, huyện Bình Khê (nay là Tây Sơn) đã nhập 21 xã còn 10 xã, xã Lộc Thạnh và xã Lưỡng Thuận nhập thành Bình Thuận và tên xã Bình Thuận được có từ đây. Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976 xã Bình Thuận nhập với xã Bình Tân lấy tên là Bình Hiệp. Đến năm 1986 xã Bình Hiệp được tách ra thành 2 xã là Bình Thuận và Bình Tân. Từ đó Bình Thuận là một trong 15 xã, thị trấn của huyện Tây Sơn hiện nay.
          Xã Bình Thuận có diện tích tự nhiên khoảng 40 km2, là một vùng đất đặc trưng cho vùng trung du, do đó phần lớn là đất đồi gò, ruộng ít, tiếp giáp từ những đồi núi thấp Đông dãi Trường Sơn,  có độ nghiêng nhẹ từ Tây sang Đông. Khoảng đầu thế kỷ 20 về trước, nơi đây được xem là vùng đất mới, dân cư còn khá thưa thớt, đất đai mới khai phá khá màu mở nên rất phù hợp cho các loại cây trồng truyền thống như xoài, mít, dứa và có nhiều vùng trồng chè đã trở thành hàng hóa lúc bấy giờ. Một số ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp ra đời khá sớm như mộc, rèn, chằm nón lá, chế biến tinh bột sắn làm bánh. Nghề mộc đã từng có nhiều danh sư như Mười Cự, thợ Thanh từng chạm rồng, trỗ phụng từ đôi bàn tay khéo léo của mình xây dựng các miếu, đình làng, các nhà từ đường… góp phần tạo nên một nét văn hóa tiêu biểu cho làng quê Việt Nam. 
          Về văn hóa, trong quá trình đấu tranh để tồn tại, phòng chống thiên tai, địch họa, chống áp bức, bất công dưới chế độ phong kiến, tay sai thực dân, đế quốc, nhân dân Bình Thuận vẫn bảo tồn những nét đẹp văn hóa của làng quê nông thôn Việt Nam lưu truyền đến ngày nay như thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công khai thiên lập địa, đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cưới xin ma chay, lễ tết,… và đặc biệt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tinh thần đoàn kết, yêu nước, chí căm thù giặt được phát huy cao độ, sẵn sàng cưu mang, gánh vác, chịu đựng gian khổ, hy sinh, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của cả nước, qua các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và làm nhiệm vụ quốc tế đã được Đảng và Nhà nước công nhận tôn vinh 30 Mẹ Việt Nam anh hùng, 229 liệt sĩ, 64 thương bệnh binh và 35 người có công giúp đỡ cách mạng, với những hy sinh, đóng góp to lớn của cán bộ và nhân dân, xã Bình Thuận được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 15 tháng 3 năm 2003. Sau ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975 thống nhất đất nước cả xã chung sức khắc phục hậu quả của chiến tranh từng bước ổn định và phát triển. Sau hơn ba mươi lăm năm đổi mới, kinh tế Bình Thuận đã phục hồi và có bước phát triển, đời sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Lợi thế lớn của xã hiện nay là quỹ đất còn lớn; giao thông, thủy lợi đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Nếu biết tận dụng các ưu thế đang có, biết áp dụng các tiến bộ khọc kỹ thuật, dám nghĩ, dám làm thì Bình Thuận hoàn toàn có thể trở thành một xã giàu mạnh.
             Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành quản lý của chính quyền sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xã; sự giúp đỡ nhiều mặt của cấp trên, nhất là sự đồng lòng chung sức của nhân dân trong xã đã phát huy tốt lợi thế tiềm năng của địa phương để huy động mọi nguồn lực trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; trong sản xuất nông nghiệp xác định cây động phộng là cây chủ lực để giảm nghèo và từng bước làm giàu.   Xã đã xây dựng và về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018, đang hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian đến, từ đó diện mạo của xã đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, đến cuối năm 2022 đạt trên 48 triệu đồng/người/năm; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân, phong trào luyện tập võ cổ truyền được duy trì thường xuyên, tiêu biểu có võ  đường Hồ Sừng là hậu duệ của cố võ sư Hồ Ngạnh, hiện nay võ sư Hồ sừng đã được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, hàng năm lực lượng võ sĩ của võ đường tham gia thi đấu các giải võ thuật trong và ngoài tỉnh đều đạt giải cao, các hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao luôn được quan tâm duy trì thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi giao lưu đoàn kết giữa các thế hệ từ đó phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp ở địa phương tạo ra sức mạnh nội sinh trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
<